Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Tổ chức lại hệ thống trường Sư phạm như thế nào?

06/01/14 13:38
(GDVN) - Đây là một trong 4 nội dung được Hiệp hội vì Giáo dục cho mọi người gửi tới Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Trong nội dung này, xác định đây là một trong những vấn đề quan trọng để quá trình đổi mới giáo dục thành công. Trao đổi với chúng tôi, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, ngoài việc tổ chức lại hệ thống trường sư phạm, viện đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo lại giáo viên phục vụ chương trình đổi mới thì chế độ chính sách cho giáo viên cũng rất quan trọng.
Mỗi năm đào tạo lại từ 10-15% đội ngũ giáo viên
Theo đề xuất, Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện đầy đủ cho các khoa, các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý. Có thể  quy hoạch lại khoảng 25-30 trường Đại học Sư phạm đào tạo lại giáo viên từ mầm non đến THPT (không nên để mỗi tỉnh có 1 trường sư phạm đào tạo giáo viên như hiện nay) và do Bộ trực tiếp quản lý. Trường sư phạm phải có đầy đủ cơ sở vật chất. 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
 
Học sinh học ở trường sư phạm phải được ở nội trú hoàn toàn. Phải xem việc ăn ở nội trú là hình thức góp phần đào tạo nhân cách người thầy giáo. Để tuyển được những học sinh giỏi vào sư phạm phải có chế độ chính sách thỏa đáng: sinh viên không phải đóng học phí, được học bổng, học xong được tuyển dụng và trở thành công chức không phải thi tuyển. 
Giáo viên được hưởng thâm niên, được phụ cấp đứng lớp, phụ cấp vùng, phụ cấp trang phục,giáo viên được tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân cần  được kèm theo phụ cấp lương hoặc tăng lương sớm...
Từ năm học 2014-2015 tổ chức đào tạo lại cho tất cả giáo viên các cấp có tuổi đời dưới 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ trong thời gian 1 năm. Mỗi năm đào tạo lại từ 10-15% đội ngũ giáo viên hiện hữu. Giáo viên đạt chuẩn được hưởng mức lương cao nhất (có thể tương đương với quân đội).
Dân làm được gì thì cho làm
Vấn đề xã hội hóa giáo dục và xây dựng nguồn lực phục vụ việc đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục là điều cần được quan tâm đúng mức. 
PGS. Trần Xuân Nhĩ cũng cho hay, muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhất thiết phải có nguồn lực. Hiện nay nhà nước đã phân bổ 20% ngân sách cho giáo dục là một tỷ lệ không nhỏ, tuy nhiên số lượng tuyệt đối lại là không lớn nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành giáo dục theo yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. 
Do vậy, toàn ngành phải xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách hiện có hết sức hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả (Chẳng hạn bớt một kỳ thi trong mùa hè đối với học sinh THPT là tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho xã hội). Đồng thời phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục có sự hỗ trợ và kích thích của nhà nước. 
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để huy động được nguồn lực của xã hội, cần quán triệt phương châm: cái gì dân làm được nên giao cho dân làm, Nhà nước chỉ làm những việc dân không làm được và không được làm.  Nhà nước sẽ là người đưa ra chuẩn chất lượng và có cơ chế giám sát, kiểm tra hoạt động xã hội hóa, tránh tình trạng lạm dụng xã hội hóa. Tuy nhiên việc đảm bảo nguồn tài chính “SẠCH” cho giáo dục cũng vô cùng quan trọng, ở đây phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành tài chính như Bộ Tài Chính.  
Đối với bậc học mầm non, các trường ở thành phố, thị trấn và đồng bằng nên tổ chức theo hình thức dân lập, bán công, tư thục, tất cả học sinh đi học phải đóng học phí, Nhà nước hỗ trợ học phí cho các cháu bậc học Mầm non diện nghèo và diện chính sách.
Các trường mầm non ở miền núi vùng cao Nhà nước bao cấp xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ, các cháu không phải đóng học phí và Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền hoạt động cho các trường.
Đối với bậc Tiểu học và THCS Nhà nước phải bao cấp đầy đủ, học sinh không phải đóng học phí. Cho phép mở các trường dân lập, bán công tư thục có chất lượng cao đáp ứng mong muốn của những đối tượng có khả năng.
Các loại trường bậc THPT, trung học nghề, trung cấp chuyên nghiệp đều phải đóng học phí, Nhà nước hỗ trợ học phí, học bổng cho học sinh nghèo, diện chính sách và ở miền núi vùng khó khăn.
Đối với hệ Đại học, Cao đẳng Nhà nước chỉ quản lý khoảng 100 trường Đại học, Cao đẳng để đào tạo những loại hình cán bộ cần thiết cho Nhà nước như trường chính trị, trường quân đội, trường sư phạm,... Sinh viên không phải đóng học phí. Nhà nước đảm bảo cơ sở vật chất, đảm bảo lương cán bộ, giáo viên và kinh phí cho các hoạt động khác một cách thỏa đáng... Có thể gọi đây là các trường công lập.
Các trường Đại học, Cao đẳng công lập hiện nay không nằm trong diện trên được thu học phí, tự chủ cân đối tài chính. Đảm bảo khấu hao cơ sở vật chất cho nhà nước. Các trường tư thục dân lập hiện nay được nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên. Nhà nước có chế tài giao cho các địa phương phải cấp đất đạt qui định chuẩn. Miễn thuế ít nhất 10 năm, sau 10 năm phải đóng thuế và khoản thuế đó được nhà nước đầu tư lại để tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường.
Tất cả học sinh học ở các bậc học có khó khăn, diện chính sách được Nhà nước cho vay tiền hoặc cấp học bổng đủ để đi học. Nhà nước có kế hoạch từ nay đến 2020 có ít nhất 60% số trường và số sinh viên ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục phi lợi nhận, tư thục lợi nhuận)./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét